ĐAN LẠI THANH XUÂN
Giờ phải tháo nhẫn ra khỏi ngón tay, tháo bỏ chút kiêu sa còn sót lại đem bán cho đời. 15 ngàn đô la đâu phải con số nhỏ, là bao nhiêu mồ hôi và nước mắt của Thương trong đó. Đã 6 tháng nay, Thương cứ gọi đến hết thẩm mỹ viện này đến thẩm mỹ viện khác, để tham khảo ý kiến, để so sánh giá cả, để tìm hiểu những phương pháp hiện đại đầy hứa hẹn. Thương đâu có mong ước mình được xinh đẹp như một nàng tiên. Thương chỉ cầu mong lấy lại chút thanh xuân thời con gái, ôi cái thời của guốc mộc, của áo lụa Hồng Hoa, tà áo dài tha thướt cứ khiến Thương cảm thấy mình thật sự là cô tiểu thư khuê các. Hồi đó Thương được tiếng dể thương mỹ miều, tánh tình ít nói, sống khép kín mà khiến bao chàng sinh viên võ bị Đà Lạt si tình. Hồi đó sao chẳng bao giờ sợ phải lên cân, ăn thứ gì cũng thấy thích thấy ngon. Sức khoẻ phây phây, đỏ da thắm thịt như con gái Đà Lạt chính gốc.
Gia đình sống ở Sài Gòn làm ăn khấm khá, cha mẹ đã gởi Thương lên Đà Lạt nội trú với các soeu. Mỗi lần về Sài Gòn Thương lại nhớ da diết khung trời Đà Lạt, nhớ những chiều tản bộ lên đồi Cù hẹn hò cùng Thuyên. Nhớ những ước mơ nho nhỏ mà hai đứa đã vẽ với nhau, cho nhau và vì nhau...
- Anh muốn Thương sanh thật nhiều con, trai gái gì cũng được...Một lũ mạnh khoẻ, một lũ vui vẻ, giàu - nghèo không quan trọng.
- Em muốn Thuyên dành nhiều thì giờ cho em và con...nghèo cũng kệ...cực khổ không sao...miễn là Thuyên thương em thương con thật nhiều !
- Dù sống ở đâu và làm gì, anh cũng sẽ cố gắng đưa mẹ con em về thăm Đà Lạt mỗi năm một lần...
Chơi với Thuyên từ nhỏ , lần nào về Sài Gòn cũng được Thuyên bịn rịn tiễn chân Thương...rồi lại hồi hộp đợi ngóng Thương. Từng hơi thở của Thuyên như đã quyện vào trong chân tóc. Thương không sao tưởng tượng được nếu một ngày hai đứa phải xa nhau...
Vậy mà Thuyên đã xa Thương 36 năm.
Khi biết tin gia đình Thương đã sắp đặt cho con gái một cuộc hôn nhân vì lợi ích của đôi bên, Thuyên đau đớn giãy giụa trong tuyệt vọng. Gia đình biết rõ tình cảm của con gái mình nhưng họ không thích Thuyên, mà Thuyên nào có lỗi gì ? Không thích chỉ vì không thích...vậy thôi ! Thương năn nỉ khóc lóc mấy tháng trời, bịnh lên bịnh xuống không lay chuyển được ý định của ba má. Thuyên rủ Thương đi theo Thuyên đến một thị trấn xa xôi nào đó để gia đình Thương không sao tìm được. Thương đã ra chỗ hẹn, khóc ngất trên vai Thuyên rồi lặng lẻ quay về. Rồi Thuyên vào lính, rồi Thương lấy chồng. Cuộc tình kéo dài mười năm của hai đứa tan theo bọt nước.
Sau 1975, Thương nghe tin Thuyên trốn trại cải tạo vượt biên ra hải ngoại, rồi cưới vợ sanh con. Nhớ Thuyên, Thương chỉ còn biết đan áo, Thương giỏi nhất là đan áo len. Bởi Thương cần mẫn khéo tay, giỏi phối màu. Những chiếc áo len có những họa tiết rất đẹp, rất nam nhi chính là niềm kiêu hãnh của Thuyên. Đan xong áo Thương còn đan kèm chiếc khăn quàng cổ khớp màu khiến Thuyên nổi bật trong đám đông. Bạn bè cứ trêu Thuyên điệu, kệ họ ! Những chiếc áo có nhãn hiệu tình nhân Thuyên chẳng bao giờ biết chán. Thuyên còn mong ước trời lạnh quanh năm để lúc nào cũng được mặc áo của Thương đan.
Chồng Thương không thích mặc áo len, anh cho rằng nó hầm hơi ngứa ngáy. Anh chỉ thích mặc áo jacket-bludong có nhiều túi, kéo phẹc mơ tuya. Lúc đầu Thương còn cố đan áo nài ép chồng, rồi cũng trở nên vô ích. Càng bị nài ép, chồng Thương càng căm ghét áo len.
- Cô không biết làm gì khác ngoài đan áo hay sao ? Nấu ăn thì dở ẹt, lại không chịu học cách buôn bán với người ta. Sao cô không học được gì từ ba mẹ cô vậy ?
***
Những chiếc áo Thương thức thâu đêm đan để kịp bỏ mối ra chợ không mang lại bao nhiêu tiền, Thương chẳng biết làm công việc gì khác. Mỗi lần đan áo là mỗi lần Thương da diết nhớ Thuyên. Được đan áo là được sống lại trong kỷ niệm với Thuyên. Còn đan áo thì tình yêu không bao giờ chết trong lòng Thương.
Rồi vợ chồng Thương cũng dắt díu nhau vượt biên, được định cư tại Nhật. Người Nhật rất chuộng áo len đan tay, những chiếc áo đem lại cho Thương thâu nhập ổn định đủ để trang trải cho một gia đình nhỏ. Càng ngày Thương càng mê đan áo. Thương dành hết thì giờ để đan áo, cần mẫn và chăm chỉ để đan thành mộng ước của đời mình. Thương buông lơi bếp núc, ngại giao thiệp ,không biết cách chìu chồng. Cô sống chỉ để đan áo. Một ngày nào đó Thuyên sẽ nhìn thấy những chiếc áo, sẽ nhận ra người đan nó, sẽ tìm ra Thương.
Thuyên ơi ! Anh có hạnh phúc không ?
Ai đan áo cho anh mặc ?
Vợ anh có hiền lành nhẫn nhịn như em không ?
Anh có yêu cô ấy không ?
Thỉnh thoảng nghĩ đến Thuyên, nước mắt rơi nhạt nhòa trên áo. Cũng có lúc Thương cười rúc rích một mình tưởng tượng cảnh Thuyên mặc thử những chiếc áo phối màu theo phong cách mới, hiện đại và trẻ trung . Những chiếc áo phảng phất nét văn hóa đặc thù của xứ Phù Tang.
Vợ chồng Thương ngày càng xa cách nhau.
Không chịu nổi một người vợ cả ngày chỉ biết cặm cụi đan áo, lặng thinh trước những cơn phẫn nộ của chồng, lạnh tanh trên giường ngủ...không màng đến những thú vui ái ân. Chồng Thương bắt đầu đi ngang về tắt. Mặc kệ ! Thương không biết ghen, không thèm ghen.
Một ngày đứa con trai nhỏ bỗng nói với mẹ :
- Mẹ ơi ! Cô giáo cứ tưởng mẹ là bà ngoại cơ ! Sao mẹ của bạn trẻ đẹp hơn hả mẹ ?
Thương điếng hồn nhìn mình trong gương, già nua héo hắt như một đóa hoa khô, ủ ê như những chiếc lá cuối mùa chờ rụng, nhìn con thơ Thương nghẹn ngào nuốt lệ
- Mẹ ơi, con muốn có mẹ đẹp như mẹ của bạn vậy.
Thương ghì con vào lòng
- Ừ ! Mẹ già, mẹ xấu. Con còn yêu mẹ nữa không ?
Thằng bé không trả lời, chỉ biết vòng tay níu chặt cổ mẹ.
Càng ngày chồng càng vắng nhà nhiều hơn, rồi ngủ đêm ở nơi khác, rồi đi luôn không về nữa.
Thương không buồn khổ mà chỉ thấy xót xa. Còn chi nữa để buồn ? Khi nỗi buồn đã ăn sâu bén rễ trong thịt da. Nỗi buồn đã có tuổi từ ngày xa Thuyên, nó dài ra, nó lớn lên với tuổi đời chồng chất. Buồn không còn đếm được . Buồn không thể có tên. Buồn triền miên day dứt như một tình khúc mà mỗi ngày tự nó vẫn hát trong tâm hồn mình. Nó thấm đẫm vào trong từng thớ thịt, nó thoát ra từ ánh mắt , nó đi theo từng bước chân. Nó tự hủy diệt rồi tự tái sinh, nó rách rưới rồi chắp vá. Buồn - như một giống ký sinh trùng đã ăn mòn vào những thớ não, nó khiến Thương quên mất cuộc sống trước mặt, thường đuổi Thương về dĩ vãng sau lưng.
Chỉ còn hai mẹ con, những chiếc áo len đủ màu vẫn là nguồn thu nhập đáng kể. Mỗi ngày đưa con đến trường rồi lại cặm cụi ngồi đan. Dư giã chút tiền Thương không biết làm gì đã mua cho mình chiếc nhẫn này. Món trang sức chói ngời khiến Thương cảm thấy mình đỡ đơn điệu. Thương luôn luôn đeo nó trên tay, kể cả lúc đi ngủ. Thỉnh thoảng đưa lên ngắm trước đèn, cảm nhận những tia sáng long lanh ánh tím, Thương gậm nhấm chút lãng mạn vương giả còn sót lại trong tâm hồn mình.
Thuyên ơi ! Anh ở đâu ?
Anh có nhớ Thương không ?
Những ngón tay Thương thay đổi hình dạng kỳ quái, chỗ thì teo tóp xương xương, chỗ thì sưng lên thành những cục sần sùi như tay bà lão. Làn da khô quắt vì tiếp xúc thường xuyên với len sợi. Thuyên mà nhìn thấy chắc không còn dám hát : " Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa..."
Đứa em gái bên nhà bỗng gọi điện thoại sang.
- Chị Thương nè, chị có tưởng tưởng được không ? Anh Thuyên về tìm chị đó .
-...
- Chị Thương ! Ảnh muốn gặp lại chị, thăm chị , chị nghĩ sao ?
- ...
- Cái bà này, người ta tình nghĩa hỏi thăm bà...mà bà...
-...
Chị làm sao dậy ? Chị ...
- Chị không muốn gặp ảnh đâu ! Chồng chị ghen lắm. Chỉ điện thoại thăm hỏi thì ok.
Bao nhiêu năm nay Thương vẫn giấu nhẹm gia đình chuyện chồng đã bỏ rơi mẹ con Thương. Thương chỉ gởi hình thằng nhỏ về bên nhà , không dám gởi hình mình. Bây giờ mà gặp lại Thuyên ư ? Mình đã quá già, quá tàn tạ làm sao Thuyên nhận ra ? Sợ sẽ khiến Thuyên đau lòng, có thể tình cảm hai đứa rồi lạnh nhạt như những chuyện tình khác trong đời.
Thuyên gọi mỗi tuần, và bày tỏ ý định sang Nhật thăm Thương. Thương tìm mọi cách thái thoát, lần lửa hẹn lùi. Thà để Thuyên nghĩ tới Thương bằng hình ảnh mỹ miều thời con gái, một nàng Thương rất tiểu thơ đã sống âm ỉ trong lòng Thuyên.
Con trai Thương đã ra trường được nhận việc ở một hãng lớn bên Mỹ. Con về nhà hỏi mẹ :
- Mẹ ! Mẹ có muốn đi theo con không ? Bên đó mẹ sẽ có bác Thuyên bầu bạn đỡ buồn hơn mẹ à. Con cũng phải cưới vợ. Chẳng lẻ mẹ cứ thui thủi như vậy hay sao ?
Thương đã suy nghĩ suốt một tháng trời. Chỉ có một mẹ một con lòng dạ nào rời xa thằng nhỏ. Mà sang bên ấy thì phải gặp Thuyên ?
Thằng con trai sang Mỹ làm việc mà ngày nào cũng lo gọi hỏi thăm mẹ
- Mẹ ơi , mẹ có buồn không ? Mẹ có nhớ con lắm không ?
- Bác Thuyên dễ thương lắm mẹ ơi ! Vợ bác mất lâu rồi ! Bác vẫn ở vậy. Mẹ đừng lo sợ gì nha, bác ấy già lắm rồi đầu tóc bạc trắng.
Bác ấy rất nhớ mẹ , mong mẹ sang bên này với con.
***
Thương quyết định làm giải phẫu thẩm mỹ , chỉnh trang lại dung nhan của mình. Ừ ! Thì hai đứa đều già, đã lọm khọm hom hem. Nhưng Thuyên ơi ! Duy nhất trong mắt anh em muốn mình trẻ trung xinh đẹp dù phải đánh đổi giá nào. Con trai đã làm việc lương khá em không cần cặm cụi đêm ngày đan áo len. Từ nay em chỉ đan áo đan khăn cho mỗi anh. Em muốn những ngày tháng còn lại Thuyên được ấm áp bởi những chiếc áo nhãn hiệu tình nhân. Em chưa bao giờ hỏi Thuyên nhưng em biết, chỉ những chiếc áo do chính tay em đan mới làm Thuyên ấm nhất, kiêu hãnh nhất. Khi Thuyên mặc những chiếc áo của em Thuyên lại bảnh bao hào hùng như ngày nào.
Cho em thêm tí thời gian ,nha Thuyên ! Để em đan lại xuân sắc của mình, rồi dũng cảm sang với con và anh. Lỡ em không may mắn có thể chết dưới tay một bác sĩ nào đó. Thuyên hãy nhớ em bằng hình ảnh của em ngày xưa. Em muốn thế và khát khao được thế ! Chỉ cần Thuyên đợi em , thông cảm cho em.
Một đời em đan áo, một đời em chờ đợi anh. Rồi chúng ta sẽ đi tiếp quãng đường còn lại dẫu thanh xuân đã qua. Em cần lấy lại chút tự tin cho mình để có đủ can đảm sánh vai bên anh, bên con. Em biết Mỹ chính là vùng đất hứa, và em tin bờ vai anh là bến bờ an toàn dành chỉ cho em. Em nhớ anh nhiều lắm Thuyên ơi, hãy chờ em. Thuyên nhé !
Mưa phố núi 26-11-2012
em đan lại tuổi thanh xuân
ReplyDeletenữa đường len bỗng đụng ngần ấy len ...
Cuộc đời trôi nổi bon chen
ReplyDeleteNửa xuân phai sắc - lệ hoen má đào
Tuổi đời giờ đã chất cao,
ReplyDeleteThanh xuân, hương sắc... ngày nào còn đâu !
Mắt long lanh , đã hoen sầu...
Bờ môi chín mọng... tím màu thời gian !!!