Chàng họa sĩ và dòng sông Gọi là một cuộc triển lảm thì không đúng lắm, vì người trưng bày không phải là họa sĩ. Nhưng thôi, vẫn cứ tạm gọi là triển lãm, vì nơi đây có rất nhiều tranh cho khách thưởng lãm. Những bức họa cổ rất hiếm và quý của những họa sĩ lừng danh thế giới mà chủ nhân của nó, tỷ phú O đã bỏ một phần lớn tài sản cùng công sức trong nhiều năm để sưu tầm và sở hữu. Ông O là một đại gia giàu có nức tiếng, nhưng ông được mọi người trong nước biết đến vì lối sống giản dị với duy nhất môt người vợ luôn luôn sát cánh với ông từ thuở hàn vi, qua những cơn sóng gió phong ba bảo táp của cuộc đời…được đúng 50 năm. Hôm nay họ làm lễ kỷ niệm 50 năm chung sống bên nhau. Và để đánh dấu ngày đặc biệt này, ông O quyết định mở cửa cho một số khách thân hữu và chọn lọc lần đầu được chiêm ngưỡng và thưởng lảm bộ tranh họa cổ sưu tầm quý giá của ông. Là một sinh viên quèn, tôi không có đủ tư cách tham dự, nếu không được K, cháu ngoại cưng của ông là bạn gái thân mời đi cùng. K rủ tôi đi chung vì biết tôi vốn thích hôi họa, và rất ngưỡng mộ những bức danh họa mà tôi chỉ thấy trên sách vở chụp lại. Đây có lẽ là dịp may độc nhất trong đời tôi có cơ hội thấy tận mắt chính những bức tranh cổ đó. Sau khi được giới thiệu với ông bà O, dĩ nhiên chỉ vài phút ngắn ngủi thôi vì ông bà rất bận rộn chiếu cố những khác mời quan trọng hơn là bạn của cháu ngoại. Ngay cả K cũng tíu tít với các anh chị em họ của nàng lâu lâu mới tụ về đông đủ gặp gở, nên tôi tạm thời một mình rảnh rang rảo bước quanh khu vườn mênh mông của chủ nhân với từng bức họa được trưng bày một cách mỹ thuật chung quanh. Lang thang say mê với mỗi bức họa với những tên tuổi lừng danh thiên cổ, tôi dừng lại trước một bức họa kỳ lạ. Bức họa hoàn toàn khác với tất cả những bức khác Tranh vẽ một dòng sông hiền hòa chảy, và trên bờ một người đàn ông đang nằm. Đơn sơ vậy thôi. Nhưng điều làm tôi chú ý đặc biệt vì sự tương phản trong họa phẩm này. Trái với giòng sông đơn sơ, người đàn ông đang nằm trong kia quá ư sống động. Nếu không phải là nơi triển lảm cũa tỷ phú O nức tiếng thì tôi có thể nghĩ rằng đây chỉ là một kỷ thuật ghép hình. Nghĩa là giòng sông là vẽ, nhưng người là hình chụp được khéo léo gắn vào. Không thể có một nết vẻ nào sống động đến thế này được. Ngay cả dù hình chụp được gắn vào thì đó cũng chỉ là một tấm hình chết. Ở đây, ngưòi nằm trong kia không phải là một tấm hình chết, mà rõ ràng như ông ta đang sống và đang tận hưởng khung cảnh hiền hòa của giòng sông. Càng đắm mình ngắm bức họa tôi bỗng nghe như tiếng nước chảy của dòng sông từ bên trong bức họa, tôi nghe như có tiếng sóng vổ bập bồng… Đang miên - Bạn trẻ có vẻ thích bức này? Tôi lể phép -Dạ, thưa ông. Bức họa này lạ quá. Ông O hỏi - Nói cho ta biết bạn thấy được gì Tôi thành thực nói cho ông biết tôi thoạt đầu tưởng người trong bức họa chỉ là một lối ghép ảnh đơn giản, nhưng dù là hình chụp cũng không “sống” được như thế này. Ông O nghe và hỏi tiếp -Còn gì nữa không? Tôi nhắc lại cảm giác lúc nảy của tôi là tiếng nước chảy. có những lúc tôi có cảm tưởng như mình mới bước vào trong bức họa đứng cạnh người đang nằm, cùng lắng nghe với ông tiếng nước trôi, xen lẫn vài tiếng sóng vổ rì rào. Ông O thích thú - Nào, bạn trẻ hãy nhìn bức họa một lần nữa và nói cho ta biết còn nghe và đã thấy được những gì. Tôi say sưa ngắm bức tranh một lần nữa. Và cũng giống như lúc nãy, tôi lại nghe tiếng sóng vổ qua những ghềnh đá. Tôi có cảm tưởng không phài chỉ người đàn ông nằm kia đang sống, mà ngay cả dòng sông cũng đang sống dậy, có những gợn sóng lăn tăn bập bềnh… -Tuyệt diệu Tôi buột miệng. Không ngờ một bức họa có vẻ đơn sơ kia có thể cho tôi những cảm giác tuyệt vời như vầy. Nghe tôi nói xong, ông O mừng rở ôm chầm lấy tôi - Bạn trẻ, hôm nay ta đã tìm được tri âm. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao. Ông trả lời rằng đã từng có vài tao nhân mặc khách, những họa sĩ, nhà thơ đương thời được ông mời thưởng lảm bức họa này và tất cả đều chỉ có cảm giác như tôi lúc đầu tức là họ cũng thấy người đang nằm đó rất sống động, và cùng có cảm giác sống hòa cùng cảnh vật. Chỉ riêng tôi chẳng những thưởng thức bức họa bằng mắt, mà còn nghe được tiếng sóng của dòng sông. Tôi đã thấy được dòng sông đang sống lại với những gợn sóng nhỏ hiền hòa… Ông O là người đầu tiên đã nghe được tiếng của dòng sông. Tôi là người thứ hai cũng thấy và nghe được như ông. - Nhưng thưa ông- Tôi hỏi- tác giả bức họa này là ai ? Ông O nắm tay tôi ngồi xuống một chiếc ghế đá gần đó thân mật nói - Đây là bức họa vô danh. Năm xưa ta vô tình gặp một người già sắp chết là chủ nhân bức họa này, nhưng ông cũng không phải là họa sĩ vì dây là bức họa cổ lắm đã mấy trăm năm rồi. Ta được ông ấy cho coi bức họa, và cũng có những cảm giác như bạn trẻ lúc nãy. Ông đã tặng cho ta bức họa này. Ha ha, không ai biết rằng bức họa mà ta đắc ý và quý nhứt ở đây thực ra không tốn một đồng nào cả. Ngừng môt chút ông kể tiếp …- Còn về lai lịch của bức họa này ta sẽ kể cho bạn trẻ nghe vì chỉ có bạn mới xứng đáng được nghe câu chuyện này. *** Ngày xưa ở một làng nọ có chàng họa sĩ trẻ. Chàng ở một mình và sống bằng chính tài năng hội họa của mình. Chàng được những nhà quý tộc quanh vùng ưa chuộng và đặt tranh rất nhiều nên đời sống của chàng rất khá giả. Được cái chàng họa sĩ có lòng bác ái thương người vô cùng. Những bạc vàng mà chàng kiếm được hầu hết đã được bố thí cho những người nghèo trong vùng. Mặc dù đã hết lòng, nhưng sự đau khổ và nghèo khó của những người chung quanh thì trùng trùng mà khả năng của chàng thì có hạn, nên chàng họa sĩ ước ao có một phép lạ nào đó cho chàng một khả năng siêu nhiên hơn để chàng có thể giúp đời và giúp người. Cảm được tấm lòng của chàng, một vị thần hiện ra cho chàng một lọ màu kỳ diệu. Với lọ màu này, tất cả những gì họa sĩ có thể phác họa đều sẽ biến thành hiện thực. Thí dụ chàng vẽ đoá hoa Hồng, sẻ có đóa Hồng thực sự rớt ra từ bức tranh ngay. Nhưng, vị thần nhấn mạnh rằng, chàng có thể vẽ được thành sự thật tất cả những gì chàng có thể vẽ, nhưng không thể vẽ được cho chính mình. Vị thần cũng ần cần dặn rằng dù đi đâu chăng nữa, khi nào chàng đã thỏa nguyện chí giúp đời thì tự nhiên bình mực sẽ cạn, và chàng phải trở về nhà hoàn trả cho thần. Nói xong thần biến mất. Chàng họa sĩ mừng rỡ, Đang lúc bụng đói chàng thử vẽ một ổ bánh để ăn, nhưng hởi ôi, ổ bánh chỉ là tranh vẽ không biến thành thực như mong muốn. Đang nghi ngờ, bỗng một người ăn xin gõ cửa xin bố thí, chàng vẽ một đồng tiền vàng. Lập tức một đồng tiền vàng rớt ra từ bức tranh. Chàng cho người ăn xin đồng tiền vàng, và biết chắc rằng lời thần dạy không ngoa. Chỉ khi chàng dùng lọ màu này cho người khác thì mới linh nghiệm, còn những gì cho chính chàng thì vô hiệu.. Sau khi liên tục vẽ ra những đồng tiền vàng để giúp đỡ hết những người nghèo khó trong làng, chàng họa sĩ đóng cửa ra đi về những miền xa lạ khác, vì chàng biết bất cứ ở đâu cũng đều có khổ đau, có khốn cùng đang chờ sự cứu rổi. Chàng họa sĩ với bình mực kỳ diệu đã ra đi trong ba mươi năm. Trong ba mươi năm đó chàng đã đi qua không biết bao nhiêu miền đau khổ của thế nhân. Qua miền nắng hạn chàng vẽ mưa rào. Qua miền lụt lội chàng vẽ đê cao. Qua miền áp bức chàng vẽ công lý. Qua miền chinh chiến chàng vẽ tình thương… Cho đến một ngày chàng họa sĩ cảm thấy mệt mỏi và lọ màu kỳ diệu đang cạn dần. Chàng biết là đến lúc phải về nhà trả lại bình mực cho thần linh như đã hứa năm xưa. Cuối cùng chàng đã về lại được mái nhà xưa. Vị thần năm nọ hiện ra nói -Này con. Ta khen con ba mươi năm qua con đã thực hiện được những điều tốt lành cho thế nhân. Hôm nay ta đặc miễn cho con một ân huệ. Còn những giọt mực cuối cùng con có thể vẻ được cho chính con một điều gì mà con mong muốn. Nói xong vị thần biến mất. Chàng họa sĩ mừng rỡ. Sau một hồi suy nghĩ. Giàu sang bạc tiền chàng không cần. Hơn nữa những thứ đó chàng có thể tạo lấy bởi chính tài năng của mình. Chàng nghiệm ra điều mong muốn cho mình là tình yêu.. Quyết định xong, chàng họa sĩ chấm những giọt mực còn lại vẽ một cô gái đẹp tuyệt trần. Chàng không quên vẽ cho người vợ tương lai này mười ngón hoa tay để nàng cũng có thể là một họa sĩ tài danh xứng đáng với mình. Quả nhiên lần này như lời thần cho phép, một kiều nữ từ bức họa bước ra thành một người thiệt sự bằng xương bằng thịt. Nàng e ấp nói - Chàng yêu mến của em. Cuộc sống của em là do chàng tạo ra. Em nguyện sẽ là người vợ của chàng suốt đời. Nhưng trước khi chúng ta thành vợ chồng em có một tâm nguyện hy vọng chàng đồng ý. Chàng họa sĩ vui mừng nói - Điều gì em hãy nói đi. Nàng nói - Chàng ơi. Ba mươi năm trước chàng là một thanh niên trẻ trung và phong nhả. Nhưng thời gian qua, chàng chỉ lo dấn thân làm việc thiện cứu nhân độ thế mà đã quên đi bản thân mình. Bây giờ chàng đã già lắm rồi chàng có biết không? Thời gian có chừa ai đâu. Rồi cái ngày chàng phải về miền đất lạnh em vẫn còn trẻ sẽ ở lại trên đời này với ai. Chàng họa sĩ hoảng sợ biết nàng nói đúng. Thời gian có chờ ai đâu. Ông, phải bây giờ ta gọi chàng họa sĩ là ông họa sĩ vì ông đã gần 60 tuổi, đã già lắm rồi. Ông vội vả hỏi - Vậy ta phải làm sao? Nàng lấy lọ màu kỳ diệu và cây cọ lên nói - Để em vẽ lại chàng trẻ lại ba mươi năm . Và trước khi ông có phản ứng gì, nàng chấm những giọt mực cuối cùng vẻ một chàng thanh niên quả nhiên giống ông như tạc của…ba mươi năm về trước. Người thanh niên bước ra và nói -Cám ơn nàng. Ta đây mới xứng đáng với nàng. Ta sẽ là chồng của nàng. Nàng T cũng âu yếm dựa vào chàng trẻ tuổi nói - Dạ. Bây giờ chàng mới là người chồng lý tưởng của em. Ông họa sĩ sửng sốt nhìn hai người ôm nhau trước mặt mình tức giận thét lên - Ta là người tạo ra nàng. Ta mới chính là chồng của nàng. Người thanh niên quay lại nhìn - Ông là ai? Chính nàng đã nhận ta là chồng cơ mà. Ông đâu xứng đáng. Hắn quăng cho ông cái gương và khinh bỉ nói -Ông hãy nhìn lại ông đi. Coi mình có xứng đáng không. Ông cầm cái gương và lần đầu tiên sau bao nhiêu năm phiêu bạt ông đã thấy mình thực sự trong gương. Hởi ơi người họa sĩ trai trẻ hào hoa năm xưa nay đã là một lão già lụ khụ dơ dáy, lưng còng, tóc trắng, da mồi nức nẻ vì gió sương… Một lão già xấu xí Đôi tình nhân kia phá ra cười nắc nẻ biết ông đã nhận ra mình. Ông vừa đau khổ, vừa căm hờn, vừa buồn tủi cắm đầu chạy ra khỏi nhà. Ông vẫn chạy, chạy mãi tới một dòng sông thì dừng lại ngồi khóc. Vị thần lại hiện ra nói. -Xin lỗi con. Ta muốn thưởng mà thành ra đã hại con. Ta biết trong lòng của con đang muốn gì. Lọ màu kia đã hết, vậy ta cho con một lọ màu khác. Con có thể vẻ một lần nữa cho con. Và nhớ rằng chỉ một lần này nữa mà thôi. Vị thần lại biến mất để lại một lọ màu kỳ diệu. Ông họa sĩ mừng rỡ vô cùng rút cây cọ trong người ra và tính thực hành ngay ý định. Với lòng căm hờn, ông muốn vẽ nàng T thành một người đàn bà xấu xí nhất trên đời, để cho tên thanh niên kia sẽ ruồng bỏ, cho nàng phải chịu sự đau khổ của một kẻ bị khinh lờn, phản bội, để trừng phạt sự bạc bẻo của nàng. Nhưng ông ngừng tay kịp. Nhớ lời vị thần dặn, ông chỉ có một cơ hội cuối cùng này mà thôi nên sẽ phải đắn đo suy nghĩ cặn kẻ. Đang khát nước, ông tới bờ sông vốc nước uống và lại thấy mình phản chiếu dưới dòng nước. Một lão già nua ốm yếu. Ông lại nhớ nàng T trẻ đẹp mà ông đã tạo ra với tất cả tấm lòng của mình. Hai hình ảnh thật tương phản. Nước sông làm ông bình tĩnh trở lại. Ông ngồi đó trọn ngày ôn lại quảng đời đã qua. Dòng sông lững lờ trôi. Những gợn sóng lăn tăn và tiếng sóng vổ qua những ghềnh đá cho ông một cảm giác thanh bình. Gió hiu hiu thổi đưa ông vào giấc ngủ. Khi tĩnh dậy ông bỗng thấy tâm hồn thanh tĩnh và nhẹ nhàng. Bao nhiêu giận hờn trong lòng như được dòng nước và gió sông xóa tan hết. Nhớ tới lời dặn của thần cùng lọ màu kỳ diệu, ông cầm cọ và vẽ một dòng sông. Rồi ông tự vẽ mình nằm xuống bên cạnh. *** Ông O đã đi mất tự hồi nào. Một mình tôi bên cạnh dòng sông. Tiếng sóng vổ… ThaiNC | |||
|
Sunday, August 19, 2012
Truyện ngắn của ThaiNC -Chàng họa sĩ và dòng sông
Labels:
Truyện ngắn
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment