Hạnh phúc muộn màng
1.
Tháng 1 năm 2004, tôi đến Thâm Khuyến tham gia một hội thảo
khoa học. Vốn rất mê đọc sách nên tôi tranh thủ thời gian đến hiệu sách trung
tâm xem có cuốn gì hay, quả nhiên tìm thấy một cuốn sách nổi tiếng từ lâu nhưng
khó kiếm, cuốn “Lõi của vũ trụ” tác giả: Stephen William Hawking, một học giả
vật lý nổi tiếng trên thế giới. Tôi hoan hỷ lấy nó xuống khỏi giá và ra quầy thu
ngân.
Thanh toán xong vừa bước ra khỏi cửa,
thì nghe thấy tiếng gọi gấp phía sau lưng: “Anh gì ơi, xin đợi một chút ạ…” Tôi
quay đầu về phía có tiếng gọi, một cô gái đang bước đến phía tôi. “Xin lỗi anh,
cuốn Lõi của vũ trụ là cuốn tôi đã tìm kiếm rất lâu, mà cô bán hàng nói anh vừa
mua cuốn cuối cùng rồi. Nếu có thể anh để lại nó cho tôi được không ?” Cô gái
nói với tôi với tất cả sự thành khẩn và lịch sự, đôi mắt to và sáng.
Tôi đang do dự, cô gái lại đưa ra đề nghị nếu tôi
không đành lòng xa cuốn sách thì cô ấy xin mượn đi photo. Lời đề nghị uyển
chuyển như vậy tôi đâu còn lý do gì để từ chối: “Tôi sẽ để lại cuốn sách cho cô,
cùng với địa chỉ cơ quan tôi rồi cô gửi cho tôi bản copy là được.”
Đó là lần đầu tiên tôi gặp Trịnh Kỳ, sau này những
hình ảnh của cô ấy cứ quay đi quay lại trong ký ức của tôi, thật khó nói cho
đúng về cảm giác của tôi lúc đó, hình ảnh của cô ấy cứ như vậy in dấu trong
tôi.
Khoảng nửa tháng sau, ở Bắc Kinh, tôi
nhận được tập sách photo của Trịnh Kỳ gửi đến từ Thành phố Nam Ninh tỉnh Quảng
Tây. Tôi lịch sử gửi thư cảm ơn cô ấy và ghi thêm nickchat của tôi ở cuối
thư.
Sau đó, hầu như đêm nào lên mạng, tôi
cũng gặp Trịnh Kỳ đang online. Chúng tôi nói chuyện với nhau đủ thứ chuyện trên
đời, trừ cuộc sống riêng. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên là chúng tôi có rất
nhiều quan điểm và sở thích giống nhau, và Trịnh Kỳ không phải là cô gái nói sao
nghe vậy, cô ấy luôn có cách nhìn và quan điểm của riêng mình, khi tranh luận cô
ấy bảo vệ quan điểm của mình bằng ngôn ngữ ôn hoà dứt khoát và rõ ràng, chứ
không bảo thủ và ầm ĩ. Điều này khiến tôi cảm thấy nói chuyện với cô ấy thật thú
vị.
Dần dần tôi biết về Trịnh Kỳ nhiều hơn. Cô
ấy là giáo viên tiếng Anh của một trường trung học ở thành phố Nam Ninh, ngoài
công việc chính còn tranh thủ dịch thêm tài liệu tiếng Anh, ngoài ra còn đang
học lấy chứng chỉ “chuyên gia dinh dưỡng Trung Quốc”, nên hầu như không còn thời
gian rảnh rỗi. Trong suy nghĩ của tôi những cô gái cùng độ tuổi với cô ấy, vẫn
còn đang trong giai đoạn yêu và chơi, nhưng cô ấy lại hiếu học, chăm chỉ, cô ấy
tìm được nguồn vui của mình trong cuộc sống đời thường thanh đạm… không thể phủ
nhận rằng, tôi ngày càng có cảm tình với cô ấy hơn, nhưng tôi cũng phải tự nhắc
nhở mình rằng không được manh động, điều này có lẽ xuất phát bản năng bố trí
phòng vệ của một người đàn ông đã bước vào tuổi trung niên.
3 năm trước, tôi đã hoàn tất thủ tục ly hôn với cô vợ cũ đang
sống ở Mỹ. Người vợ trước mê du lịch, quanh năm suốt tháng đi du lịch khắp nơi,
kết hôn mười năm vẫn không chịu sinh con. Trên danh nghĩa là tôi đã có vợ, đã
kết hôn, nhưng thực chất cũng chẳng khác đàn ông đơn thân là mấy. Sau khi ly hôn
tôi trở lại Trung Quốc, và tự mở một bệnh viện tư.
Một đêm tháng 3, tôi và Trịnh Kỳ chát rất khuya, tôi dò hỏi
chuyện riêng tư, cô ấy đã thẳng thắn kể về tình trạng thực của mình. Một chuyện
cực kỳ bất ngờ đối với tôi, đó là vào năm 2000 người chồng trước của cô ấy đã
ngoại tình cộng với bạo lực gia đình nên hai người đã ly hôn, thời điểm ấy Trịnh
Kỳ đã mang thai sắp đến ngày sinh nở, người chồng trước sau khi ly hôn không
muốn và cũng không đủ năng lực để nhận nghĩa vụ nuôi dưỡng một trong hai bé gái
sinh đôi, thế là một mình Trịnh Kỳ làm mẹ đơn thân nuôi cả hai bé đã 4 năm rồi.
Hiện nay bố mẹ cô ấy giúp đỡ cô ấy chăm sóc hai bé thơ, còn cô ấy thì dành tất
cả thời gian và sức lực để làm việc, cố gắng kiếm đủ tiền để nuôi dưỡng gia
đình.
Khi tôi biết được tất cả những chuyện
này, trong lòng đầy những cảm phục và mâu thuẫn. Cảm phục là bởi ngay cả khi gặp
phải những nỗi đau lớn lao như vậy cô ấy vẫn giữ được thái độ sống tích cực,
không bi quan, vẫn bình tĩnh trấn chỉnh cuộc sống của mình, nhìn bề ngoài không
thể nhận ra cô ấy là người đàn bà đã đi qua những đổ vỡ của cuộc hôn nhân; mâu
thuẫn là ở chỗ nếu tôi theo đuổi cô ấy, thì áp lực từ xung quanh tôi là rất lớn,
dưới con mắt của xã hội tôi là một người đàn ông thành đạt, giờ kết hôn với một
bà mẹ đơn thân đang nuôi 2 đứa con riêng, thì làm sao tránh khỏi điều tiếng này
nọ cho em và cho cả tôi nữa.
Dưới những mâu
thuẫn tâm lý ấy, tôi quyết định tạm đè nén cảm tình của mình lại, hy vọng trong
sự giao tiếp bình thường tôi sẽ tỉnh táo hơn để tìm hiểu thêm về cô ấy, rồi mới
quyết định hướng đi cho trái tim mình.
2.
Tháng 9 năm 2005, lấy cớ
là đi Nam Ninh công tác, tôi đến thăm Trịnh Kỳ. Đúng dịp cuối tuần, Trịnh Kỳ đến
sân bay Nam Ninh đón tôi. Hôm đó trời mưa rất lớn, nhiệt độ của Nam Ninh bỗng
nhiên hạ thấp, mặc mỗi chiếc áo sơ mi cộc tay, chưa ra khỏi sân bay tôi đã thấy
hơi lạnh từ những cơn gió ngoài kia. Ai ngờ, Trịnh Kỳ đến đón tôi với ô và chiếc
áo khoác mới tinh, cô ấy mỉm cười đưa cho tôi chiếc áo, hơi ấm bao trùm lấy trái
tim tôi.
Với tư cách là bạn quen cũ tôi đến
nhà Trịnh Kỳ ăn bữa cơm. Cô ấy sống cùng bố mẹ, một căn hộ tập thể 3 buồng đơn
giản, bố mẹ ở căn phòng hướng nam, cô ấy và hai con gái ở căn phòng hướng bắc.
Căn phòng bé nhỏ, cả hai mặt bức tường là 2 giá sách lớn, cũng chẳng ít sách hơn
thư phòng của tôi chút nào, đây có lẽ là nguyên nhân vì sao cô ấy luôn có những
kiến giải của mình trong hầu hết những chủ đề mà chúng tôi đã nói chuyện, tôi
lật giở vài trang sách, có rất nhiều trang có ghi chú bên cạnh bằng nét chữ con
gái mềm mại.
Tôi dễ dàng nhận ra cuốn Lõi của
Vũ trụ trên giá, tò mò hỏi Trịnh Kỳ: “Tại sao cô lại thích đọc sách vật lý ?” Cô
ấy mỉm cười đôn hậu nhìn lên bức ảnh hai đứa trẻ đẹp như thiên thần trên giá
sách: “Tôi biết được cuốn này qua trang web Hồng Kông tam liên giới thiệu, tôi
muốn mua về đọc trước sau này giải thích lại cho các con thôi.”
Nhắc đến hai đứa trẻ, khuôn mặt cô đầy tự hào mãn nguyện, nụ
cười của người mẹ trẻ khiến tôi thực sự bị mê hoặc, trái tim tôi rung động nhẹ
nhàng. Thật khó tưởng tượng, người đàn bàn trẻ trông mảnh mai có phần yếu đuối
này khi đứng trước những gập ghềnh của số phận lại có thể có được thái độ ung
dung đến thế, tôi chưa bao giờ nghe thấy cô ấy thốt lên một lời oán trách số
phận, chỉ thấy cô ấy nói về hy vọng, về niềm tin, về sự nỗ lực hiện tại; đối với
những nỗi đau khi tôi hỏi tới cô ấy chỉ nhẹ nhàng nhắc đến như nhắc một trải
nghiệm trong ký ức đã qua từ rất lâu trong cuộc đời, không một chút bất mãn,
phẫn nỗ đối với người chồng cũ vô trách nhiệm. Phong cách sống lạc quan, bao
dung của cô ấy khiến một trang tu mi nam tử như tôi cũng thấy cảm phục.
Sẩm tối, hai đứa trẻ tan học về nhà, cũng thấy
hiếu kỳ về sự có mặt của tôi, nhưng cả hai đều tỏ ra rất lễ phép, chào tôi rồi
lui về phòng làm bài tập. Làm bài tập xong thì tự chơi trước cửa nhà, tiếng cười
con trẻ vang đến tai tôi, Trịnh Kỳ lui cui làm cơm trong bếp, mùi thơm nức lên…
Trong bầu không khí đó tôi bỗng dưng như chìm vào giấc mơ, tôi tự hỏi chính
mình: “Chẳng phải từ trước đến nay vẫn mơ ước một không khí gia đình như thế này
sao ?”
Khi ăn cơm, hai đứa trẻ thi thoảng liếc
nhìn tôi rồi lại nhìn nhau tủm tỉm cười. Tôi hơi lúng túng, cố gắng tìm đề tài
để nói chuyện: “Hai con có thích ăn cơm mẹ nấu không ?” “Thích ạ, nhưng mẹ làm
việc vất vả cả ngày, tối lại làm thêm, cho nên chúng con thích ăn cơm bà ngoại
nấu hơn, như thế mẹ sẽ có thêm thời gian để nghỉ ngơi…” Tôi nhìn Trịnh Kỳ, đôi
mắt cô đỏ lên trước câu nói của con. Tôi xoa đầu hai thiên thần bé nhỏ có mái
tóc đen như mun, trong lòng dấy lên một tình thương vô hạn.
Ăn cơm xong chúng tôi cùng ngồi xem ảnh gia đình Trịnh Kỳ,
cuộc sống của cô ấy từ trước đến nay dần hiện ra trước mắt tôi qua những bức
ảnh. Tôi nhận ra trong những bức ảnh trước đây của cô ấy đều thấy đeo trên cổ
một miếng ngọc bội, mà giờ không thấy nên hỏi: “Sao không thấy em đeo nữa ?” Em
cười chưa đáp thì mẹ em đã nói: “Cái con bé này thương người. Lần trước nó cùng
với một đứa bạn nữa đã cùng nhau góp tiền cho một đứa trẻ nghèo đang cần 30 vạn
tệ để phẫu thuật, nó lấy hết tiền nó có, rồi mang cả miếng ngọc bội đã đeo hơn
10 năm đi bán nữa, mấy năm nay nó tham gia chương trình học bổng cho trẻ em
nghèo, không đủ tiền từ bản thân nó, nó đi quyên góp thêm từ những người có tiền
đấy…”.
3 ngày ở Nam Ninh tiếp xúc với Trịnh
Kỳ, tôi nhận ra em là một phụ nữ truyền thống, lương thiện, hiền thục. Nhưng tôi
vẫn dùng lý trí khắc chế bản thân mình, không thể hiện ra một hành động nào quá
thân mật. Còn đôi mắt của em dành cho tôi thật ấm áp chân tình, em đã dành cho
tôi sự quan tâm đặc biệt.
3.
Sau chuyến đi Nam Ninh ngắn ngủi,
tôi trở lại Bắc Kinh và tiếp tục đánh giá tình cảm của mình dành cho Trịnh Kỳ
nặng nhẹ đến đâu. Tôi nhận ra mình không thể bác bỏ tình yêu đã dành cho em,
nhưng nếu thổ lộ điều này với em, liệu em có chấp nhận không ? và bố mẹ tôi sẽ
chấp nhận em và hai con của em như thế nào ? Nếu chúng tôi cùng chung sống, tôi
sẽ cư xử với các con của em ra sao ? tất cả những điều này khiến tâm trạng của
tôi rối lên trong nhiều ngày.
Tôi quyết định
thăm dò ý kiến bố mẹ tôi trước. Bố mẹ tôi đều xuất thân từ gia đình gia thế có
địa vị học vấn về y học trong xã hội, khi tôi đem chuyện của Trịnh Kỳ ra nói
liền gặp sự phản đối. Lý do của mẹ tôi rất đơn giản: Dựa vào địa vị của tôi hiện
nay hoàn toàn có thể tìm được một cô gái có lý lịch đơn giản, chưa kết hôn, có
học vấn cao; bố tôi thì không phản đối trực tiếp, nhưng cũng tỏ ý khuyên tôi nên
suy nghĩ kỹ lại.
Bước ra khỏi nhà của bố mẹ đã
là hơn 12 giờ đêm. Tôi lái xe đến khu ngoại ô, đứng trước gió mùa thu lồng lộng
bốn bề và bóng đêm bao trùm lên vạn vật, tôi hít thở những luồng khí trong lành
mát mẻ… Thực ra tôi hiểu rất rõ: Trịnh Kỳ chính là người vợ mà tôi hằng ao ước,
nhưng thế tục lại tạo ra một bức tường ngăn cản chúng tôi, liệu tôi có vượt qua
được không ? liệu tôi có đủ dũng khí để giúp em vượt qua không ? tôi không ngừng
tự vấn chính mình, lòng lại rối lên.
Nửa tiếng
sau, tôi rút điện thoại ra gọi cho Trịnh Kỳ. Tôi muốn nói cho cô ấy biết những
mâu thuẫn, những phức tạp trong lòng tôi, nhưng tôi không đủ dũng khí để biểu
đạt tình yêu của mình, quả thực là tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Tôi cầm
điện thoại, im lặng thật lâu, ở đầu dây bên kia có lẽ em cũng cảm nhận được tâm
trạng của tôi nên chủ động phá bức màn im lặng: “Đăng Dũng à, em chỉ cần anh vui
vẻ hạnh phúc, đấy là tâm nguyện duy nhất của em.”
Trước sự bình tĩnh của em tôi cảm nhận thấy tình cảm của em
dành cho mình, tôi như bừng tỉnh tìm được lối đi: “Trịnh Kỳ, anh yêu em. Anh
muốn được sống cùng với em !”
Đầu dây bên kia
im lặng một lúc lâu rồi bảo tôi cúp điện thoại trước. Tôi đặt điện thoại xuống
và có một linh cảm chắc chắn rằng, chỉ cần đêm nay em chủ động gọi lại, là giữa
hai chúng tôi có hy vọng rồi. Thời gian như ngưng lại, không biết bao lâu sau
cuối cùng điện thoại cũng rung lên vui vẻ.
Tháng 10 năm 2005, tôi mời Trịnh Kỳ đến Bắc Kinh thăm cuộc sống thực của tôi. Để
em cảm thấy an tâm, tôi cố tình lái chiếc xe Jeep đi đón em. Vừa trông thấy em,
tôi lại thật sự ngạc nhiên vì không ngờ em ngồi tàu hoả đến Bắc Kinh mà trên tay
vẫn còn cầm cái cặp lồng giữ ấm: “Anh đã từng nói là thích uống canh em hầm mà,
nên em làm sẵn từ nhà mang đến cho anh, về nhà anh chỉ cần đun nóng lại một chút
là ăn được rồi.” Tôi thật không ngờ, những điều mình nói, cho dù là rất bình
thường mà em lại để trong lòng đến như vậy.
Khi tôi lái xe qua cổng khu biệt thự, tôi thấy mắt em ánh lên sự ngạc nhiên. Khi
xe dừng lại trước cửa nhà, tôi bấm khoá mở gara em lại nhìn thấy một chiếc BMW
nữa, lúc này em mới tỏ ra thật sự ngạc nhiên: “Đây là nhà anh sao? Anh không
phải là một bác sĩ bình thường sao ? Anh chưa từng nói với em những điều này
?”
Tôi mỉm cười: “Thì em cũng có hỏi anh
đâu.”
Hôm sau tôi đưa em đến Vạn lý trường
thành, Thập tam lăng, nhưng em có vẻ trầm ngâm hơn nhiều so với trước. Tôi đoán
rằng em vẫn còn bị những ngạc nhiên làm ảnh hưởng, chắc em đang nghĩ nhiều đến
tương lai của tôi và em, bao gồm cả tình cảm của tôi dành cho em liệu có đáng
tin hay không ?
Tối hôm đó, khi tôi đưa em về
đến cổng khách sạn, em tháo dây an toàn bước xuống xe, nói lời chúc ngủ ngon
định quay đi thì tôi nắm lấy tay giữ em lại. Tôi đưa cho em một túi hồ sơ và một
hộp đựng trang sức: “Trịnh Kỳ, anh không phải là người có tài ăn nói, nhưng suốt
thời gian qua, anh đã nhận ra rằng em là người phụ nữ mà anh cần tìm. Anh muốn
được cầu hôn em… Những giấy tờ trong túi hồ sơ này, bao gồm cả quyết định ly hôn
của toà án, hộ chiếu, chứng minh thư, bởi trước nay em chưa bao giờ hỏi anh
những điều này, cho nên anh muốn thông qua những thứ này để em có thể tin tưởng
rằng anh là người đàn ông có đủ tư cách hợp pháp để cầu hôn. Trong hộp trang sức
này là chiếc nhẫn cầu hôn anh đã chuẩn bị sẵn dành cho em, nếu em cảm thấy anh
là người đàn ông em có thể tin tưởng gửi gắm cuộc đời mình thì xin em hãy nhận
nó.”
Trịnh Kỳ tròn mắt ngạc nhiên, rồi đôi mắt
em ngân ngấn nước, em nhìn tôi… ấm áp… không nói. Tôi nhìn vào mắt em: “Em hãy
tin anh, anh không chỉ yêu em, còn yêu sự lương thiện nơi em, anh sẽ chăm sóc
các con em và bố mẹ của em. Anh đã nghĩ rồi, nếu em ngại mối quan hệ gia đình
sau này sẽ có mâu thuẫn, nếu em không muốn sinh con nữa, anh cũng đồng ý, anh có
thể hiểu được điều đó. Hai con của em cũng là con của anh. Nếu bố mẹ anh có ý
kiến gì thì cũng là vì yêu thương anh thôi, anh sẽ nói với bố mẹ anh rằng anh đã
tìm được người phụ nữ của đời mình, một người vợ, một người con dâu đúng nghĩa,
chắc chắn họ sẽ chúc phúc cho chúng ta. Vì vậy, em không cần phải suy nghĩ về
những điều này.”
Khi tôi nói xong, thời gian
như ngừng lại, không nghe thấy lời đáp nào của em, lần đầu tiên em khóc trước
tôi. Tôi bước lên phía trước ôm em vào lòng. Nước mắt rơi em ướt đẫm ngực áo
tôi. Em lúc này mới thật yếu đuối, mới thật bé nhỏ trong vòng tay tôi. Tôi vuốt
mái tóc em, trong lòng thấm đẫm câu “chia ngọt sẻ bùi”. Tôi tự quyết, từ giây
phút ấy trở đi bất luận cuộc sống có gặp phải khó khăn gì, tôi cũng sẽ bên em.
Tôi đưa em lên phòng, muốn ở lại mà không biết phải làm
sao. Thấy tôi chào tạm biệt rồi mà vẫn cứ đứng ở cửa, em cười dịu dàng cầm tay
tôi: “Anh vào đi”. Tôi bước vào cánh cửa đóng lại sau lưng, ôm lấy em, tôi cúi
mặt xuống, em kiễng chân lên… Một nụ hôn nồng cháy, ngọt lịm kéo dài mãi… tôi
không muốn dời khỏi làn môi em. Một tay đặt lên bầu ngực mềm ấm của em, tôi nhận
thấy em cong người lên dưới những ngón tay tôi… những khao khát bị dồn nét bấy
lâu nay bùng lên, tôi run rẩy bế bổng em đặt lên giường. Tôi hổn hển… chợt thấy
mình như trẻ lại, mãnh liệt mỗi khi em dâng người lên, tôi trầm mình trong vòng
tay em siết chặt.
4.
Ngày 8 tháng 12, tôi và Trịnh Kỳ kết hôn. Trước kỳ
nghỉ đông tôi liên hệ trường học và hoàn tất thủ tục chuyển trường cho cho hai
con, tháng 2 năm sau tôi đón hai con lên Bắc Kinh sống với chúng tôi. Tôi trang
trí một phòng riêng, một không gian vui chơi và học tập riêng cho hai con, mua
thật nhiều đồ chơi. Tôi chưa từng làm cha, nhưng tôi tin rằng mình cứ thật lòng
yêu thương rồi cũng sẽ được các con chấp nhận thôi.
Đầu tháng 3 mẹ tôi phải nhập viện vì bệnh cũ tái phát, Trịnh Kỳ
ngày nào cũng hầm canh mang đến bệnh viện, mặc dù gia đình tôi đã thuê người
chăm sóc đặc biệt, nhưng em vẫn chăm sóc mẹ tôi không lơ là một ngày nào trong
suốt hơn một tháng trời, lúc đầu mẹ tôi còn dửng dưng lãnh đạm, nhưng em dường
như không quan tâm đến thái độ lạnh lùng của mẹ chồng, em vẫn tươi cười tay làm
miệng nói, luôn tay luôn chân. Biết mẹ thích đọc sách văn học, em mua những cuốn
tiểu thuyết mới nhất về tặng mẹ, sự ấm áp của em dần đã hoá giải được sự băng
giá trong định kiến của mẹ, mẹ đã thực sự yêu thương em. Hôm trước ngày mẹ xuất
viện, tôi đến thăm mẹ, thấy hai mẹ con đang ngồi nói chuyện rất vui vẻ.
Sự lương thiện quan tâm chăm sóc của em đã khiến bố
mẹ tôi xúc động thật sự, khi mẹ tôi được xuất viện cũng là lúc bố tôi dỡ bỏ được
lo lắng, nên mời cả Trịnh Kỳ và hai con của chúng tôi về nhà để ăn bữa cơm đầu
tiên với ông bà. Tôi thật sự hạnh phúc trong niềm vui gia đình.
Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn nữa về em là khi tôi mở thêm
Trung tâm chăm sóc dinh dưỡng ở bệnh viện của mình, thì em với những kiến thức
về dinh dưỡng đã trở thành trợ thủ đắc lực cho tôi.
Cuốn sách Lõi của vũ trụ được tôi đóng vào hộp kính thật trang
trọng, treo trên tường. Tôi nói với Trịnh Kỳ: “Anh sẽ bảo vệ cuốn sách này mãi
mãi, vì nó là vị sứ giả tình yêu của mình.”
******
Tác
giả: Trần Giao (Trung Quốc)
Dịch: Trần Hạnh Tường (Big
Angel)
Nguon : vnthuquan.net