Thursday, March 22, 2012

Du lịch - Phố núi Pleiku

09:14 | 25/04/2011
Phố núi Pleiku
(LV) - Nằm ở độ cao 780m so với mực nước biển, thành phố cao nguyên Pleiku là vùng đất chứa đựng nhiều điều thú vị luôn làm du khách đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi có dịp qua đây.
Thành phố Pleiku được xem là thủ phủ của tỉnh Gia Lai, nằm ở phía bắc Tây Nguyên, trên trục giao thông giữa quốc lộ 14, quốc lộ 19 nối thông suốt cả nước, gần ngã ba Đông Dương, nằm trên cung đường Hồ Chí Minh
Đến với phố núi Pleiku du khách như được trở về với thiên nhiên còn khá hoang sơ, được hít khí trời mát lạnh và cảm nhận trong gió thoang thoảng mùi hương của những nhánh lan rừng và hoa cà phê… Chính vì có những điều đặc biệt, rất riêng đó nên ngày càng nhiều khách du lịch đến với Pleiku. Ngoài ra, thành phố cao nguyên này cũng nổi tiếng với núi Hàm Rồng, hồ Tơ Nưng, thác Yaly, thác Đá... trên dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Pleiku một ngày bốn mùa
Vào những ngày cuối tháng 3, tiết trời ở phố núi Pleiku có đủ 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Tất cả được hội tụ trong một ngày. Sáng sớm trời se se lạnh, buổi trưa, không khí trở nên oi bức như mùa hè. Khi chiều vừa tắt nắng đã có những cơn gió thoang thoảng của mùa thu làm dịu mát cái nắng gắt mùa hè. Và khi màn đêm xuống tức là đông đã về. Trong cái lạnh của vùng đất cao nguyên, du khách sẽ có cảm giác thèm một chén rượu cay nồng hay một tách café nóng để mang lại hơi ấm cho mình.
Cảm nhận của những người lần đầu đặt chân đến phố núi Pleiku luôn là ấn tượng về bầu không khí trong lành, mát mẻ. Anh Nguyễn Tuấn Hưng, một doanh nhân tại Hà Nội lần đầu đến với phố núi không thể quên được cảm giác sau chuyến đi tới Pleiku: Khí hậu Pleiku trong lành, mát mẻ và cuộc sống của người dân nơi đây yên bình đến lạ. Không gian, cảnh quan phố núi phù hợp để nghỉ ngơi sau guồng quay công việc nhiều áp lực. Chỉ cần dạo bước quanh thành phố là đã cảm thấy thư gian và thỏai mái.
Đã nhiều lần đến với phố núi, anh Lâm Thành (Thái Bình) cho biết: Dù đã biết trước về khí hậu của Pleiku nhưng tôi vẫn thích thú khi được chứng kiến ranh giới của các mùa thay đổi trong một ngày. Đương nhiên, để thưởng thức được cả 4 mùa trong một ngày bạn hãy chọn cho mình những bộ quần áo phù hợp để có thể du ngoạn khắp thành phố mà không phải tiếc nuối.
“Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”
Với người dân phố núi, Pleiku đã trở nên quen thuộc nhưng với ai đang ấp ủ dự định tới Pleiku thì vùng đất này là một địa chỉ đáng để khám phá.
Thành phố Pleiku về đêm
Thành phố Pleiku về đêm.
Anh Nguyễn Minh Phương, Hà Nội sau chuyến đi Pleiku chia sẻ: Trước khi đến Pleiku, tôi đã mua một loạt sách báo viết về Pleiku để tra cứu thông tin về vùng đất cao nguyên này. Ấn tượng về Pleiku có lẽ là hoa Dã Quỳ, tôi đã được chụp vô số bức ảnh đẹp về hoa Dã Quỳ, loài hoa tôi yêu thích. Vẻ đẹp đến nao lòng của loài hoa vàng rực giữa thiên nhiên hoang sơ đúng như cái tên của Dã Quỳ. Mùa hoa Dã Quỳ thường kết thúc vào cuối tháng một, rất may là tôi đã có chuyến đi vào đúng dịp hoa Dã Quỳ nở.
Ngoài ra, núi Hàm Rồng, thác Yaly cũng là những địa điểm lý tưởng mà du khách thường xuyên lui tới. Và, nếu ai đã đến phố núi Pleiku mà chưa đặt chân tới Biển hồ (hồ Tơ-nưng) thì chuyến đi hẳn chưa trọn vẹn và kỷ niệm về thành phố cao nguyên này sẽ thiếu đi một phần quan trọng. Nơi đây được ví như “đôi mắt của Pleiku”, như tâm hồn của người Pleiku vậy.
Biển Hồ là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng chục ngàn người dân. Đây còn là nơi có nhiều thuỷ sản gồm đủ loại cá nước ngọt. Xung quanh Biển Hồ là cả một vườn hoa nhiều sắc màu: hoa ê-ban màu sữa chấm phá lung linh giữa không gian xanh biếc, hoa mua, hoa ngải, hoa súng... khiến Biển Hồ như đôi mắt của người con gái đẹp càng thêm thăm thẳm.
Biển Hồ còn là nơi cư trú của nhiều loài chim như: chim sin sít mỏ hồng có bộ lông tím, chim cuốc đen thui thủi, chim bói cá có màu da cam lẫn xanh biếc... Suốt bao năm, dẫu thiên nhiên khắc nghiệt, nắng hạn đến đâu nhưng Biển Hồ này vẫn chưa bao giờ cạn nước. Chẳng thế mà nhạc sỹ Nguyễn Cường từng viết: “Em đẹp thế Pleiku ơi/ Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi/Không dám nhìn vào đôi mắt ấy/ Đôi mắt Pleiku Biển hồ đầy”.
Song Nguyên

No comments:

Post a Comment