Friday, August 10, 2012

Truyện ngắn-Chiếc Nôi Mây

Chiếc Nôi Mây




Có một bé gái được sinh ra giữa lòng cuộc chiến, ở nơi mà bom đạn lan tràn. Mỗi ngày người dân sống trong lo âu. Đêm đêm tiếng pháo súng cứ nổ đì đùng, hỏa châu rơi rực trời. Trẻ con thường giật mình khóc thét trong đêm, người già nơm nớp không dám chợp mắt. Con bé tròn trịa phổng phao vẫn cứ say giấc nồng trong chiếc nôi êm ái. Chiếc nôi là tặng phẩm riêng cho cô bé, được đan bằng mây rừng vàng óng khéo léo và tinh xảo như một món đồ mỹ nghệ. Đó là tác phẩm của chú Sao, một thanh niên của rừng núi, dòng máu Ê-đê lai Pháp .

Người dân Ê-đê rất hiếu khách, đặc biệt là khách từ vùng xuôi lên mạn ngược. Họ theo chế độ mẫu hệ , đàn bà được quyền chọn lựa chồng để cưới. Sự dũng mãnh của người đàn ông là điều họ quan tâm hàng đầu, đàn ông phải mạnh mẽ như con hổ trên rừng, nhờ đó giúp họ truyền giống thuận lợi,duy trì bếp lửa của gia đình, khuyếch trương sự mạnh mẽ của bộ tộc .

Đàn ông và đàn bà Ê-đê đều yêu thích nhảy múa và uống rượu bên ánh lửa bập bùng. Nhảy múa là một phần của nghi lễ, là truyền thống, là văn hóa, là vẻ đẹp, là tình yêu mà họ dành cho cuộc sống .

***
Năm H' Mây 16, nàng đẹp như những đóa lan rừng. Thân hình dong dỏng cao khỏe mạnh, thạo việc nương rẫy.Tiếng hát của nàng vút cao theo gió, đi qua mấy con suối ngọn đèo. Tiếng hát làm say mê bao trái tim trai tráng. Vào những đêm lễ hội, khi mọi người tập hợp ở nhà Rông, thì đôi chân của H' Mây mặc sức nhảy múa nhịp nhàng theo tiếng khèn điệu chiêng.

Bên ánh lửa bập bùng, đóa lan rừng rực sắc. Mắt H' Mây lúng liếng hương rượu cần, cánh tay tròn bóng nhẩy bung thả say mê . Nụ cười của Nàng làm rộ từng chập chiêng dồn dập...thúc giục sợi tình...trói lấy cái bụng của nghệ nhân Nheo - Tay cồng chiêng số một của buôn làng. Y Nheo đánh cồng gõ chiêng cả đêm mà không hề biết mệt. Và Y Nheo cứ đánh, đánh mãi để nhịp chân H' Mây không thể dừng lại.

H' Mây đã chọn cho mình người chồng sẽ cưới là Y Nheo.

***
Khách đêm nay là viên sĩ quan Pháp không biết vô tình hay cố ý lại đi lạc vào buôn. Cả làng vui mừng đón khách. Y bảo Y đi săn bị lạc đường, lạc luôn đoàn tùy tùng. Rượu cần được mời, gái đẹp biểu diễn. Viên sĩ quan ngỡ mình đang lạc chốn bồng lai. H' Mây được hân hạnh mời rượu khách , nàng cũng đang say tình . Vẻ lịch thiệp của Robert khiến đóa lan rừng lả lơi ...Họ không thể trao đổi ngôn ngữ với nhau , mà cần chi vậy nhỉ ? Ánh mắt của họ đã nói giùm cả rồi ...

H' Mây cười rộn rã cả đêm . Tiếng cười của cô làm da thịt chàng Nheo se sắt bủn rủn ...Không hiểu sao đêm nay lòng H' Mây lại chao đảo thế ? Ánh mắt của Robert khiến nàng choáng váng, như đôi mắt cọp rình mồi. Mắt Robert dán chặt vào vào nhịp chân nhún nhẩy của H' Mây, rồi lướt trên đôi mông tròn săn chắc, chiếc eo mềm mại thon thon ...bờ ngực căng tràn nhựa sống. Đã lâu, Robert không gặp người đàn bà nào đầy sức quyến rủ như H' Mây . Y đã say ngà ngà mà giọng hát của nàng cứ mênh mang...mênh mang...

Em đi qua triền núi, gió hát gọi mây ngàn .
Tiếng lũ chim đùa vui ríu rít, lửa mặt trời đỏ ran...

Em men theo bờ suối, róc rách suối đổ tràn.
Cá đớp mồi quẩy nước, hương rừng thơm lan lan...

Sáng hôm sau Y đi tìm nàng thật sớm. Y bắt gặp nàng đang tắm bên bờ suối...như một cô tiên giáng trần. Giờ phút này trái tim Robert chỉ nghĩ đến tiên, một cô tiên bằng xương bằng thịt đang rạng rỡ, ngời ngời. Y bất chấp hậu quả, nhào tới chộp lấy cô tiên khóa chặt trong cánh tay vạm vỡ của Y, tốc nàng lên lưng ngựa và phi nước đại ...




Điệu múa mời Yang (rượu cần)


Sáu tháng sau, H' Mây trốn thoát trở về buôn với cái bụng lúp xúp. Cô xanh xao tiều tụy đầy mệt mỏi. Người đầu tiên mà cô đi tìm là Y Nheo, chàng cũng đau đớn hao mòn không khác gì cô. Y Nheo không nói gì cả chỉ ôm chầm lấy H' Mây mà nghẹn ngào, chàng phải dấu đi giòng lệ tức tưởi, uất hận tự đáy trái tim mình. Lửa tình yêu lại reo vui bên suối. Nàng thì thầm bên tai chàng " Tôi không thể nào sống xa rừng, xa buôn làng và không có tiếng khèn của Y Nheo ..."

Cậu bé Sao được chào đời như thế, cậu được cả làng bảo bọc. Gương mặt khôi ngô, sức khỏe hoàn hảo , ai cũng bảo rồi cậu sẻ được làm trưởng làng. Sao nhanh nhẩu thông minh, học đâu biết đó. Lên 10 tuổi đã biết tự mình săn con thỏ rừng đầu tiên, cậu được đưa về phố để đi học. Thằng bé dạn dĩ chào buôn làng, từ biệt mẹ Mây và cha Nheo về phố .

Nó được gởi tới nhà bà Sáu ở phố thị , là chỗ làm ăn thân tình , tín cẩn với Y Nheo và buôn làng đã lâu . Nhà bà Sáu buôn bán lớn lại đông con , kẻ ăn người ở đề huề . Ngoài giờ học Sao chỉ cần theo phụ giúp Ngọc Diệp, con gái nhỏ của ông bà Sáu coi ngó mọi việc trong nhà . Ngọc Diệp vừa 12 tuổi , cô thay mẹ làm quản gia chăm sóc năm đứa em trai nhỏ dại . Cô phải để ý việc học hành của các em và trông chừng đám người làm . Cậu bé Sao trở thành một cánh tay mặt đắc lực . Ngọc Diệp ép Sao nói tiếng Kinh , mặc áo quần như người Kinh . Sao tuyệt đối nghe theo mọi sắp xếp của Ngọc Diệp . Trong mắt Sao , Ngọc Diệp như một con búp bê bằng sứ , hay dỗi hờn , đỏng đảnh và đầy uy quyền .

Càng lớn Sao càng điển trai , nhìn nó không khác gì những người Pháp ngoài phố. Nó nói sõi tiếng Kinh , học tiếng Pháp rất nhanh và giỏi cả mỹ thuật hội họa . Các vị Linh mục trong phố rất yêu mến nó . Họ hy vọng nó sẽ là cầu nối giúp đỡ họ trong việc truyền giáo .

***
Năm Ngọc Diệp 16, cô bắt đầu giữ kẽ không cho thằng Sao kè kè bên mình, không cho nó ở căn phòng sát cạnh phòng cô . Nó phải dọn xuống ở căn phòng trống trong bếp, chỗ vẫn thường là nhà kho. Ánh mắt của Y Sao đã không còn vẻ ngơ ngác của con nai rừng . Nó bắt đầu mơ mộng rình rập Ngọc Diệp những lúc kín đáo nhất. Ngọc Diệp càng khắt khe với nó hơn. Cô căn dặn nó rõ ràng :
- Y Sao phải nhớ , cả đời này chúng ta là chị em .
Cô bắt nó phải ngước nhìn ánh trăng rằm mà thề. Mắt Y Sao long lanh .
- Yang ơi ! Tôi thề suốt đời trung thành và tôn thờ chỉ Ngọc Diệp mà thôi .
- Bậy nà, Y Sao phải cưới vợ để được làm trưởng làng. Y Sao mãi mãi là em trai thân thiết của tôi ! Y Sao mà làm trưởng làng thì tôi là bà Quận Vương, giống như Nữ Hoàng vậy đó - Chị của trưởng làng, oai lắm nhé !

Y Sao cứ thao thức mãi mỗi khi nhìn thấy ánh trăng rằm. Nó không được quên đi lời thề, mà cũng không thể không nghĩ đến hình ảnh Ngọc Diệp. Mắt Y Sao đã không còn hứng thú tới các thiếu nữ trong buôn. Năm Y Sao 18 , người Pháp đã muốn đưa chàng về Pháp để học hành. Y Sao từ chối, chàng chỉ thích đi theo mấy ông Linh mục đi truyền cái chữ , đem ánh sáng văn hóa đến các buôn làng xa xôi. Chàng còn học cách băng bó vết thương và làm thuốc .

***
Ngày Ngọc Diệp lấy chồng, Y Sao về chơi cả tuần, giúp dựng rạp đãi khách, tay nghề của chàng khiến cả phố xôn xao. Chàng cảm thấy quý mến người chồng của Ngọc Diệp, một thư sinh nho nhã bảnh trai thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Chồng Ngọc Diệp cũng hợp với Y Sao, cả hai đều yêu thích mỹ thuật và trao đổi với nhau bằng tiếng Pháp .

Sau đám cưới, Y Sao lại lên đường. Y Sao còn nhiệm vụ phải làm ! Chàng đã quay sang học tiếng Anh. Bố mẹ năn nỉ thế nào cũng không giữ được chân Y Sao. Chàng không muốn nghĩ đến chuyện vợ con, càng không muốn ở lại trong buôn. Bởi phía trước mặt còn một con đường cao cả hơn mà Y Sao đã chọn.
Ngọc Diệp quyến luyến chia tay Y Sao .
- Y Sao phải về thăm tôi thường xuyên chứ ! Đừng để tôi nhớ tiếng khèn của Y Sao, nhớ cả món thịt nướng trong ống nứa thơm lừng .
- Đã có chồng lo cho Ngọc Diệp rồi mà. Tôi bận nhiều công chuyện quan trọng lắm ! Ráng đẻ con sớm đi, rồi tôi sẽ về thăm, sẽ là cha đỡ đầu của đứa bé , hé !

***
Còn một tuần nữa là tết, Ngọc Diệp chuyển dạ, khi mà cả phố đang sống trong nổi lo âu. Làn tên mũi đạn không làm họ sợ bằng bóng đêm, bóng đêm như một nỗi đe dọa, sẽ phủ xuống phố một điều gì đó không bình thường. Chẳng ai dám ra đường ban đêm. Những người bán hàng rong cũng khuất bóng. Không cần lệnh giới nghiêm, con phố vẫn tự nhiên lặng lẽ. Người ta trốn vào nỗi sợ hãi của mình. Những tiếng súng đêm đêm rải rác như hồi kinh nguyện hồn .

Cả nhà không dám đưa Ngọc Diệp vào nhà thương, chỉ rước mụ về. Sau hai ngày trời vật vả cô vẫn chưa sanh được. Chồng sợ vợ chết nên mượn xe nhà binh đưa cô vào bịnh viện. Sản phụ đã kiệt sức mà bệnh viện lại thiếu bác sĩ , y tá bắt chồng phải chọn lựa, hoặc là vợ, hoặc là đứa con trong bụng. Người chồng trẻ đang trong thời kỳ mặn nồng đương nhiên là chọn vợ. Cô vợ khóc lóc níu tay chồng :
'' Anh ơi ! Phải cứu con mình, cứu con mình đi anh . Em thà chết , phải cứu được con ... huhuhu "
Nhìn đôi vợ chồng xứng lứa vừa đôi ai cũng thương , rồi có người bỗng nhớ đến một vị bác sĩ quân y vừa ra trường nhận nhiệm sở gần đó . Sẵn xe họ đi rước luôn ông bác sĩ trẻ . Vị bác sĩ mát tay đã cứu cả hai mẹ con mà không phải mổ xẻ lôi thôi .

Đứa bé gái chào đời như một con heo mọi thiệt to ! Nó lầm lì không khóc, mặt mày lại xấu xí chẳng ai thèm nhìn. Người ta chỉ lo cho mẹ nó đang kiệt sức lả người .

Tết Mậu Thân ! Cả thành phố chìm vào biển lửa. Lửa cháy khắp nơi xác người phơi như rạ. Người ta nháo nhào chạy trốn về nơi khác hoặc là núp yên trong nhà. Phố thị ngưng hoạt động, người mẹ trẻ không có sữa, đứa bé lại không chịu bú bình. Ba nó đang là thông dịch viên cho sở Mỹ đem về toàn đồ ngoại hạng mà đứa bé không thèm. Nó cứ khóc thét lên từng chập, họ hàng nội ngoại đều ghét bỏ nó coi nó như cục nợ đời. Nó đã chào đời trong lúc dầu sôi lửa bỏng lại chướng khí khó ưa. Bà nội nó rất mê tín, cứ mang nó ra trước bàn thờ tổ tiên van vái mãi. Bà ngoại theo đạo Công giáo thấy những trò của bà nội rất lố bịch, đâm ghét bà suôi ra mặt. Bom đạn rơi ngoài phố , chiến tranh ngay trong nhà. Người làm cũng lặng lẽ rút êm, cô cậu dì dượng đều chán ghét đứa bé. Chỉ có ba nó kiên nhẫn dùng muỗng mớm cho nó từng muỗng sữa. Ngày cũng như đêm, ba nó cứ ôm con trên tay mà ru bằng điệu nhảy chacha , pepop ...
Cứ đặt xuống giường hay nôi là nó khóc thét lên. Không ai thèm đặt tên cho nó, vì kiêng cữ người ta gọi nó bằng cái tên xấu nhất - Gái !

***
Sáng mồng một Tết, bà ngoại bắt buộc phải mở cửa nhà trước. Vừa đẩy cánh cửa sắt ra bà đã điếng hồn vì một xác chết nằm ngay trước nhà, xác đã lạnh khô trên tay còn giữ chặt một cái nôi xinh xắn. Chiếc nôi dính vài vệt máu khô - Y Sao !

Ngọc Diệp khóc nấc lên từng hồi, cô đâu biết Y Sao ở đâu ? Ai đã đưa tin ? Để Y Sao phải chết ngay trước cửa nhà cô, hay ráng bò về trước ngưỡng cửa nhà nàng ? Cô không cho mẹ mình đem đốt chiếc nôi, cô nghĩ rằng đó là tâm huyết của Y Sao. Cô nhờ chồng đem cọ rửa chiếc nôi sạch sẻ, rồi phơi nó lên giàn bếp ba ngày cho khô kỷ.

Gái rất thích cái nôi, nó ngủ say sưa trong chiếc nôi êm ái mặc cho cuộc sống khốc liệt bủa vây. Sau khi ngủ đẫy giấc nó lại đòi bú, và bú rất khỏe, lớn nhanh như thổi. Khi nó hết tuổi nằm nôi, chiếc nôi lại là chỗ cất giữ đồ chơi cho nó, là vương quốc của những con búp bê ngoại quốc xinh đẹp. Những con búp bê với mái tóc thiệt dài, óng ả như suối và biết nhắm mắt mở mắt thiệt ngộ. Đừng hòng nó để mẹ cho ai mượn chiếc nôi, cũng không ai được đem chiếc nôi mây ra khỏi phòng nó.

Năm 1972, Gái theo gia đình đi di tản. Hành lý của nó được xếp gọn nhẹ trong chiếc nôi. Tới Cam Ranh lạ giường nó không sao ngủ được. Mọi người trong nhà nó tá túc ở một trại gà, ai cũng phải ngủ chiếu hoặc giường cây hoặc đi-văng. Mẹ nó đành phải để nó ngủ trong nôi, chiếc nôi đặt sát vào góc tường để nó khỏi té. Tấm lưng tròn lẳn của nó khít khao lòng nôi , hai chân của con bé gác lên thành nôi, nó vẫn say giấc điệp cho đến khi được trở về nhà. Nó chẳng bao giờ biết buồn, cả ngày miệng cứ líu lo như sáo.

Năm 1975, Gái lại xách chiếc nôi theo gia đình di tản. Trong một lúc mệt mỏi vô ý mà con bé đã vuột tay, để chiếc nôi cùng với tư trang nhỏ gọn của mình trôi theo dòng nước sông Ba. Nó tiếc ngẩn ngơ một tuổi thơ trượt mất, buồn suốt cả tuần. Người lớn còn mãi lo chuyện ẩn náu, sống chết. Ai hơi đâu để ý đến nổi niềm vu vơ cùng chiếc nôi cũ rích của nó.

Đến khi ngưng tiếng súng, dân chúng được kêu gọi trở về quê an cư. Gia đình con bé lại trở về phố cũ, phố thị tiêu điều vì đổ nát. Mọi thứ quý giá của gia đình đã bị thiêu rụi. Người lớn phải bắt tay làm lại cuộc sống mới. Gái bắt đầu cuộc sống lặng lẽ của nó, khi không còn chiếc nôi và những con búp bê xinh đẹp. Đêm nào Gái cũng nằm mơ...thấy chiếc nôi trôi lềnh bềnh...trên con nước sông Ba ...đỏ ngầu máu...

***
Bà Sáu vừa giập bã trầu, bà đang ôn tồn kể lại sự việc cho già Nheo nghe. Chỉ cần bà Sáu kể bất cứ chuyện gì liên quan đến Y Sao, Già Nheo sẽ nghe không bao giờ biết chán. Ông đã già lắm rồi, người ông ốm nhom cao lêu đêu như một con hươu rừng già nua. Da ông răn rúm, xám xịt thật xấu xí. Gái leo lên vai ông, ngồi gọn lỏn như người ta cưỡi ngựa. Nó nghịch ngợm giật từng dúm tóc bạc phơ xoăn tít của ông, mái tóc khét lẹt gió rừng, nắng rừng.
- Già Nheo xấu xí không biết mặc quần nè, lêu lêu lêu...
- Ừm ...hà, già mà mặc quần vướng lắm không làm gì được đâu ! Chỉ quen đóng khố, gọn mát.
Già Nheo không biết đi xe đạp, không chịu ngồi xe lam. Mỗi khi xuống phố ông thức dậy thật sớm đi bộ 15 cây số. Ông thường ngủ lại một đêm tại nhà bà Sáu. Lần nào cũng như lần nào, ông ngủ ngay trên chiếc ghế bố ngoài hàng hiên bên cạnh sân cát. Đó là chỗ mà ông được thoải mái ngắm bầu trời đầy sao. Nếu mưa, ông chỉ việc xê dịch chiếc ghế bố vào trong chút xíu để tránh mưa hắt. Đi bộ vất vả thế mà ông cứ khệ nệ mang vác phẩm vật của núi rừng. Một bao cát gạo huyết rồng, là thứ gạo mà bà Sáu quý nhất, khi nấu thành cơm vừa thơm vừa dẻo, lại có màu hồng thiệt đẹp. Có khi là một gùi bắp vừa bẻ trên nương. Ông thường làm cho Gái những món đồ chơi ngồ ngộ, ống thụt bằng tre bỏ trái kò ke vào, thụt một phát trúng ai đau điếng người...Ông nặn những con thú bằng đất sét rồi đem nung cứng. Gái cứ phụng phịu .
- Con không thích những món này đâu ! Giống đồ chơi con trai quá hà.
- Tau đâu có con gái mà biết, tau vẫn làm những thứ này hồi thằng Sao còn nhỏ, nó thích lắm !
Nhắc đến chú Sao, đôi mắt kèm nhèm của già lại rưng rưng...
- Hay già Nheo làm lại cho con chiếc nôi như của chú Sao đi !
- Mày lớn rồi , nôi để làm chi ?
- Để làm nhà cho mấy con búp bê mới của con, tụi nó vẫn không có nhà.
- Yang ơi ! mắt tau mờ, chân tay chậm chạp. Ừ , để tau thử coi ...

***
Ba tháng sau già Nheo mang cho Gái một chiếc nôi ngộ nghĩnh, không thể nào so sánh với tác phẩm mỹ thuật của chú Sao. Dù sao thì cũng là một chiếc nôi bằng mây rừng. Gái quý lắm, đi đâu cũng na theo. Người trong phố thấy lạ hỏi bà Sáu để mua, vậy là già Nheo phải đi rừng, đan thật nhiều nôi mây đưa bà Sáu bán. Mode nôi mây thịnh hành hơn những loại nôi khác và tiếng tăm của nó lan ra các tỉnh lân cận. Già Nheo rủ cả buôn làm nôi, để lũ trai làng ngày nào cũng phải đi rừng. Đàn bà con gái bắt đầu thạo việc, làng của già Nheo trở thành làng nghề. Ngoài nôi mây họ còn làm bàn ghế mây. Cả đôi quang gánh thúng mủng, hết mây thì xoay sang tre nứa.

Đại lý lương thực của bà Sáu trở thành cửa hàng đồ mây tre. Rồi bà bán buôn thêm các thứ đồ quý khác như chiêng, ché, ghè rượu...vv
Căn nhà lớn của bà cứ nới ra dần dần. Bà Sáu đặc biệt yêu thương đứa cháu gái này, bà nói từ ngày nó chào đời công việc làm ăn buôn bán của bà cứ xuôi chèo mát mái. Người trong phố thường gọi nó là cô bé nôi mây. Lâu dần người ta lười biếng cứ gọi vắn tắt bé mây , lúc này nó đã lên 10 tuổi .

Già Nheo thường híp mắt cười khi nhìn thấy cái dáng nhỏ bé , lăng xăng của nó. Rồi một ngày nó cũng bập bẹ nói được mấy câu bằng tiếng Ê-đê của già, già vui bụng lắm .
- Mày là con khỉ rừng nhỏ bé ! Bé Mây a ...!

Bà vợ Mây của già đã qua đời. Nàng H' Mây xinh đẹp nhảy múa suốt đêm bên ánh lửa bập bùng. H' Mây- người tình đầu tiên duy nhất trong đời Y Nheo đã bỏ già mà đi trước, chắc bà muốn đi tìm Y Sao yêu quý của bà , bỏ mặc già Nheo góa bụa cô đơn.

Đôi mắt già đùng đục , thỉnh thoảng vẫn ánh lên từng sợi nhỏ reo vui, mỗi khi già ngắm con bé nhảy lò cò chân sáo. Chân già mỏi lắm rồi, phố thị xa xôi...con bé lại nghịch ngợm hay chạy trốn khi thoáng thấy bóng già . Nó cứ núp yên trong xó tủm tỉm cười mặc cho bóng già loạng choạng đi tìm .
- Mây nhỏ đâu rồi? Mây à...Mây...ây!

---Mưa phố núi ---





Nhà sàn của người Ê-đê

: mưa phố núi -- 29.7.2012 17:02:20 >

_____________________________

No comments:

Post a Comment