Một cặp nam nữ kỳ lạ 
Đi với mẹ trong khuôn viên Đại học 

Heike Sonnberger






(* dịch lại từ tạp chí Spiegel Đức ngữ ở đây - còn Anh ngữ thì xem ở đây)
Triển Chiêu chuyển ngữ - nguồn Đặc trưng .net



Anh Phạm Khôi, sinh viên y khoa, có một bí mật: cô bạn gái thân thiết mà anh dẫn dắt suốt thời gian đại học là mẹ của anh. Bà đã trượt ba lần kỳ thi toàn môn[*] - bây giờ ở tuổi 47, bà muốn hoàn thành học trình ra bác sĩ.
Phạm Khôi thích ăn chung với mẹ anh ở căn-tin đại học, miễn là mẹ anh không tiết lộ bí mật. Chàng trai sinh viên 25 tuổi này không thích bạn bè biết anh đang học cùng đại học với mẹ mình. Từ mùa Thu năm trước cả hai mẹ con đã ghi danh vào đại học y khoa Hamburg-Eppendorf. Con thì ghi danh học y khoa, mẹ thì ghi danh học nha khoa.




Khôi đã quyết định giữ bí mật cho riêng mình từ kỳ ghi danh cho học kỳ mùa Đông. Lúc đó mẹ anh tình cờ gặp một người bạn cũ của anh thời trung học ở giảng đường đại học. Người bạn hỏi có phải bà là khách mời dự thính không ? Không phải, đó là bà Parastou Zarghani Shiraz, người gốc Iran. Bà muốn kết thúc học trình ra nha sĩ sau ba thập niên cùng với thời điểm ra trường với con trai của bà.

Người bạn cũ của anh bối rối không quen. Khôi nói và cười to: "Hắn không thể xưng hô bằng chị được". Thế là từ đó anh quyết tâm ngăn chận những giây phút ngỡ ngàng đó. Cho nên anh bắt mẹ phải hứa là không kể với bạn bè sinh viên của mình về quan hệ mẹ con. Cho đến bây giờ vì đã cận ngày ra trường nên anh mới nhẹ nhàng hơn, không lẫn tránh sự việc này.

Thường thì kế hoạch giấu nhẹm diễn tiến rất tốt, vì mẹ của Khôi nhìn bề ngoài trẻ hơn ít nhất 10 tuổi so với tuổi thật. Vả lại họ của hai người không giống nhau. Bà Parastou đến thành phố Hamburg vào thập niên 80. Bà đã quen một người đàn ông Việt Nam, lấy nhau và sinh ra Khôi ở tuổi độ 20. Khôi là đứa con đầu lòng của bà. Ngày ấy bà không tưởng tượng được rằng, đứa con này sau này sẽ là người giúp bà hoàn thành học trình đại học.



Khôi và bà Parastou đứng ở quầy xà-lách trong căn-tin của đại học. Người mẹ nhìn món ăn ngao ngán, con không thích đậu que, mẹ cũng chẳng ưa. Cho nên bà xúc hai phần bắp cải, vì Khôi thích ăn bắp cải. Từ tháng 10 cả hai thường ăn chung một đĩa xà lách với phần ăn chính lấy riêng. Bà Parastou để cái đĩa lớn dưới cái đĩa xà-lách nhỏ đầy ắp, để thức ăn không rơi ra mâm. Bà nói đó là mánh lới của sinh viên đó, vừa nói bà vừa cười lí lắc như một cô gái sinh viên nhỏ. Thỉnh thoảng người chung quanh sẽ quên đi không biết ai mới là đứa trẻ. Khôi mặc một chiếc áo sọc nổi bật, đeo kính thời trang và xức keo trên tóc. Còn giữa những lọn tóc nâu quăn của bà Parastou ẩn hiện hai vòng hoa tai sáng hơn vài sợi bạc. Bà mẹ nói: "Khi Khôi rầy tôi, tôi sợ thật đó".



Làm thời khóa biểu cho mẹ

Trong những tháng gần đây Khôi rất thường phải giúp mẹ dò bài đến khuya ở các môn dược lý học (Pharmacology), vi sinh học (Microbiology), và ngoại khoa (Surgery). Anh đã làm thời khóa biểu cho mẹ, mang thức ăn vào thư viện cho bà, đồng thời khuyến khích, cảnh cáo và ngay cả làm áp lực. Anh cho biết: "tôi không thể chịu được khi thấy mẹ tôi học đại học vất vả quá".

Năm 1982 bà đã thi đậu kỳ thi tuyển vào đại học ngành y ở Iran. Nhưng trong khoảng thời gian đó, các trường đại học bị sức ép chính trị. Nhà cầm quyền Hồi giáo cực đoan theo dõi các sinh viên có tư tưởng thiên tả hoặc theo tự do và thiết lập học trình theo Hồi giáo. Sau ba học kỳ cha của bà đã gửi bà sang Đức để có cơ hội học tập không bị quấy nhiễu.

Nhưng rồi Parastou mang thai và thi rớt ba lần liên tiếp học phần toàn môn sau khi sinh Khôi. Bà kể lại: "Kết quả thi lần đầu tôi chỉ thiếu có hai điểm, lần thứ nhì thiếu nhiều hơn và lần thứ ba tôi chẳng còn thiết học nữa". Đứa con trai hay bị đau ốm và thường nôn mửa ra sau khi ăn quan trọng hơn việc học.

Một người bạn nói: "Hắn cứ phải giúp cái con bé ấy"



Mười hai năm sau, bây giờ đã có ba đứa con, bà lại thử lại một lần nữa. Trong khi bà đang vật lộn học hành cho kỳ thi toàn phần, trường đại học giở hồ sơ của bà ra nghiên cứu. Bà Parastou thuật lại: "Ngày sinh của tôi khiến người ta nghi ngờ". Chỉ còn một tuần trước ngày thi bỗng nhiên trường gửi một lá thư. Khu điều hành hành chánh viết rằng không được phép dự cuộc thi lần thứ tư, vì đáng lý bà Parastou không được nhận học. "Mặt đất dưới chân tôi cơ hồ sụp đổ".

Năm 2005 bà ghi danh học nha khoa. Một năm sau đó Khôi bắt đầu học y khoa. Mới đầu học ở đại học Marburg, rồi chuyển sang đại học Dresden, rồi từ năm 2011 Khôi cũng về học ở Hamburg. Khôi kể: "mẹ con tôi đi xe chung đến trường, tôi tìm chỗ đậu xe cho mẹ".

Một người bạn của Khôi người gốc Nam Dương tên là Charles Wijaya, 27 tuổi đã không biết rằng lâu nay người bạn thân của anh đang phải hỗ trợ mẹ chuẩn bị tốt cho kỳ thi toàn môn. Anh ta khôi hài: "Hắn phải giúp đỡ con bé ấy hoài nên không có thời gian cho tôi gì hết", "tôi còn nghĩ rằng hắn thích mấy con nhỏ học nha sĩ hơn bạn bè".



Thỉnh thoảng bà Parastou để lộ bí mật ra ngoài như vài tuần trước trong căn-tin. Lúc đó Khôi đang trò chuyện với một người bạn gái về cha mẹ mình. Khi câu chuyện đang hướng về người mẹ gốc Trung Đông của mình, bà Parastou hơi nhỏm dậy, chen vào: "Cái bà đó là tôi đó!" Cô bạn gái bỗng trố mắt hốt hoảng nhìn mẹ anh như là vừa thấy một cái thây ma. Từ đó anh không nói chuyện với người bạn gái nữa.


"Cháu là một đứa sinh viên cool nhất - và tôi đã gặp nhiều sinh viên rồi đó nhé"


Lúc bà Parastou vừa qua cuộc thi miệng toàn phần đầy hãi hùng trung tuần tháng 7, ba đứa con cầm hoa đợi mẹ trước cổng nhà. Kỳ thi này là cơ hội cuối cùng của bà Parastou, và bà đã thi đậu. Bà cho biết "không có con trai tôi, tôi đã không thi đậu khá như vậy". "Cháu là anh sinh viên tuyệt vời nhất mà tôi từng gặp, mà tôi đã gặp rất nhiều sinh viên rồi đó". "Và vì mấy kỳ thi và việc học chung bây giờ đã qua, mọi người sau rốt cũng được phép biết là Khôi là con trai cưng của bà".

Bà Parastou còn muốn làm tiếp luận án tiến sĩ và tìm việc làm nha sĩ. Hai đứa em của Khôi cũng muốn học y khoa nên bà Parastou nói nếu vậy 4 đứa mình sau này mở chung một bệnh viện tư luôn. Khôi nói: "để xem đã ! ". Anh vui mừng vì không phải gây gỗ với mẹ nữa, bởi vì bà thích chạy bộ hơn là bó gối ngồi học. Và hơn nữa là anh bây giờ đã có thể hoàn toàn tập trung chìm đắm vào những trang kinh luân y khoa của mình.




Chú thích:[*] kỳ thi toàn môn = Physikum